Nỗi lo “Chơi chiêu” Sea Games 29 của bóng đá Việt Nam

“Chơi chiêu” tại các kì Sea Game đã trở nên quá quen thuộc, ấm ức không chỉ riêng của bóng đá Việt, mà ngay cả những nhà vô địch thế giới của chúng ta cũng “chịu đòn”

Bóng đá Việt Nam đau đầu trò "chơi chiêu" của Malaysia ám ảnh
Những trận cầu với Malaysia là nỗi ám ảnh về chấn thương, tia laze, pháo sáng

Việc chủ nhà Malaysia tự cho mình cái quyền chọn bảng thi đấu nhẹ ký môn bóng đá khiến các nhà quản lý bóng đá Việt Nam rộn ràng bức xúc.

Dễ hiểu sự không hài lòng của VFF. Bởi cách bốc thăm chia bảng môn bóng đá SEA Games đe dọa rất lớn đến chỉ tiêu vào chung kết của Việt Nam, đặc biệt là bóng đá nam.

Các nhà chuyên môn thì bình thản hơn vì quá quen với những chiêu trò của ban tổ chức Sea Games. Họ không xem là trở ngại quá lớn vì trừ mỗi Malaysia, 10 nước còn lại đều chịu chung số phận… hên xui như nhau. Biết đâu lá thăm may mắn sẽ đưa thầy trò Hữu Thắng nằm khác bảng chủ nhà thì chẳng hay ho hơn sao?

"Chơi chiêu" quá phổ biến tại các kì Sea Games
Bất kì một trận đấu nào của Malaysia đều ngập trần pháo sáng ném xuống khán đài

 

Bầu Đức còn nói ông không ngán chút gì “trò mèo” của chủ nhà Malaysia. Thậm chí ông vẫn thích thú hơn là lên ngôi vô địch dễ quá. Bởi thực tế bóng đá Việt Nam ở đấu trường SEA Games (và cả AFF Cup dành cho tuyển quốc gia), cơ hội vượt qua vòng bảng không khó. Trừ hai kỳ SEA Games 2001 và 2011, còn lại đội tuyển U-23 Việt Nam (lần này là U-22) chưa khi nào bị rơi khỏi bán kết.

Thế nên cuộc chiến thực sự của thầy trò Hữu Thắng ở sân chơi SEA Games 2017 chỉ có thể đến từ bán kết. Là lúc cho các tuyển thủ biểu dương sức mạnh của mình. Nói như bầu Đức là nếu không thể vô địch Đông Nam Á lần này thì các quan chức VFF nên nghỉ hết cho rồi.

Vấn đề còn là đừng dựa vào chiêu trò được phép của chủ nhà Malaysia để… đổ thừa cho thất bại. Ngược lại, chiến thắng và lên ngôi vô địch SEA Games 29 thì chiếc cúp càng long lanh hơn.

Nếu “chơi chiêu” đã trở thành sự việc mang tính thường kỳ thì cũng không nên quá bất ngờ về sự kiện đấy nữa. Và nếu các đại diện của các đội tuyển thể thao Việt Nam còn tham gia sân chơi “ao làng” SEA Games thì cũng cần phải thích nghi với các tiểu xảo đấy.

"Độc cô cầu bại" Muway thế giới Nguyễn Trần Duy Nhất còn bị xử thê thảm
Ngay cả 3000 CĐV trên khán đài cùng HLV đối thủ còn phải phản đối trọng tài

Bóng đá Việt Nam có lẽ cũng dần quen với việc này. Nếu chúng ta đã không thể thay đổi thông lệ của “ao làng”, vẫn muốn tham dự sân chơi đấy, tìm thành tích thông qua sân chơi đấy, tốt nhất cho bóng đá Việt Nam là phát triển về mặt chuyên môn.

Ngay đến bóng đá Việt Nam cũng từng bị phản ứng về thể thức kỳ lạ tại AFF Cup 1998 trên sân nhà. Khi đó, lúc đội tuyển Việt Nam không thể giành ngôi đầu bảng A, BTC đã có quy định ngặt nghèo là buộc các đội đầu bảng phải di chuyển, còn các đội nhì bảng (trong đó có đội tuyển Việt Nam được quyền ở tại chỗ và chỉ việc chờ đối thủ).

Hồi đấy cả làng cầu Đông Nam Á đều không phục quy định, nhưng cuối cùng vẫn chịu nhường đội tuyển chủ nhà. Hay như ở SEA Games 2003, chủ nhà Việt Nam đưa rất nhiều môn lạ vào chương trình thi đấu (lặn, bắn nỏ, đá cầu chinh…), để lần duy nhất trong lịch sử lên ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương.