Điền kinh Việt Nam xếp hạng 5 toàn đoàn Giải Vô địch điền kinh châu Á 2017.
Tin thể thao – Trong ngày thi đấu đầu tiên (6-7) của Giải Vô địch Điền kinh châu Á diễn ra tại TP Bhubaneswar (Odisha – Ấn Độ), ngay ở cú nhảy đầu tiên, Bùi Thị Thu Thảo đã “bay” qua khoảng cách 6,54 m, thành tích làm ngỡ ngàng mọi đối thủ, kể cả 2 ứng viên vô địch nặng ký của nước chủ nhà là V Neena và Nayana James. Những lần thực hiện tiếp theo của Thu Thảo đều không thành công, trừ lần nhảy cuối đạt 6,44 m. V Neena thi đấu đầy quyết tâm và cũng vượt qua được khoảng cách 6,54 m nhưng chỉ sau lần nhảy thứ tư. Kết quả này giúp Thu Thảo bước lên bục chiến thắng cao nhất ở giải vô địch châu lục, còn V Neena phải hài lòng với tấm HCB. Nayana James với thành tích 6,42 m chỉ xếp thứ 3 chung cuộc.
Hai ngày sau khi đồng đội Bùi Thị Thu Thảo đoạt HCV nhảy xa nữ, đêm 8-7, Nguyễn Thị Huyền xuất sắc lên ngôi vô địch châu Á ở nội dung 400 m rào nữ.
Ra sân thi đấu đợt chạy chung kết, trước các đối thủ sừng sỏ như á quân giải 2015 Kira Manami và hai niềm hy vọng lớn nhất của nước chủ nhà R Anu, Murmu Jauna, Nguyễn Thị Huyền đã tăng tốc rất nhanh, sải chân khéo léo chinh phục từng chặng rào và bỏ xa nhóm bám đuổi với khoảng cách lên đến 1 mét. Ở đích đến, khoảng cách này được thu hẹp còn nửa thân người nhưng quá đủ để Huyền vượt qua R Anu và giành HCV với thành tích 56 giây 14, nhanh hơn đối thủ 1 giây 08.
Được người hâm mộ đặt rất nhiều kỳ vọng và thi đấu nỗ lực trên đường chạy 4×400 m, thế nhưng đội chạy tiếp sức nữ Việt Nam chỉ về đích ở vị trí thứ nhì với thành tích 3 phút 33 giây 22. Đây cũng là nội dung thi đấu cuối cùng của đội tại giải năm nay, xếp sau chủ nhà Ấn Độ với lực lượng rất mạnh và giành HCV với thành tích 3 phút 31 giây 34.
So với khi tranh tài tại SEA Games 28 hai năm trước ở Singapore, đội hình xuất phát của Việt Nam có một sự thay đổi về nhân sự khi Hoàng Thị Ngọc thay thế cho Nguyễn Thị Thúy ở vị trí số 3. Không mạnh bằng người tiền nhiệm của mình, Hoàng Thị Ngọc đã “rớt” lại phía sau VĐV Ấn Độ ở chặng đấu thứ ba, có lúc lên đến 5 mét mà Nguyễn Thị Huyền chạy chặng 4 dù đã rất cố gắng vẫn không thể vượt qua khoảng cách quá lớn này. Trước đó, Nguyễn Thị Oanh rồi Quách Thị Lan đã tạo được ưu thế khi liên tục giúp đội Việt Nam dẫn đầu cả hai chặng.
Ngôi á quân, dù vậy vẫn đã là thành tích tốt nhất của một đội chạy tiếp sức Việt Nam ở đấu trường châu Á. Dù còn một khoảng cách tương đối lớn so với khi phá sâu kỷ lục SEA Games tồn tại 24 năm tại Singapore hai năm trước (3 phút 31 giây 46) thế nhưng ở giai đoạn chọn điểm rơi thành tích trước thềm SEA Games 29, thông số thành tích ở Bhubaneswar, Ấn Độ lần này vẫn thực sự là một tín hiệu khả quan, theo đó, sự ổn định về phong độ được đánh giá cao. Xếp trên các đối thủ mạnh như Nhật Bản, Kazakhstan là kết quả vượt ngoài mong đợi mà các cô gái đội tiếp sức nữ duy trì ngọn lửa hy vọng trong lòng người hâm mộ khi SEA Games 29 chỉ còn được tính từng ngày.
Lần thứ nhì tại giải bước lên bục chiến thắng không phải ở vị trí cao nhất, tuyển thủ trẻ Quách Thị Lan vẫn không quá buồn. Ở tuổi 22, cô đang trên đường hoàn thiện chính mình và những tấm HCB ở Á vận hội 2014, Grand Prix rồi Giải Vô địch châu Á 2017 chính là hành trang quý giá để cô hy vọng tiếp tục vươn tới đỉnh cao. Trước mắt, thành tích 2 HCB của cô gái Mường quê Thanh Hóa này đã đóng góp đáng kể vào tổng số 2 HCV, 2 HCB, giúp điền kinh Việt Nam xếp hạng 5/44 tại Giải Vô địch điền kinh châu Á 2017, thành tích tốt nhất từ trước đến nay.
"Xin lưu ý rằng, thông tin nhận định và dự đoán về bóng đá chỉ mang tính chất giải trí và tham khảo, dựa trên dữ liệu thống kê. Hy vọng bạn sẽ có những kiến thức thú vị về bóng đá!"